Vai trò của hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch cần thiết cho sự sống còn của con người. Nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ bị tấn công từ vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và vô vàn những tác nhân gây bệnh khác.

Bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể. Trong khi đó, “những kẻ xâm lược” khiến con người mắc bệnh bao gồm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, và thậm chí là nấm. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi như trong nhà, nơi làm việc và môi trường tự nhiên. Phản ứng miễn dịch được diễn ra như sau:

  • Bước 1: Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ bảo vệ con người bằng cách tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể.
  • Bước 2: Nếu chúng có thể vượt qua khỏi hàng rào, hệ miễn dịch tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác nhằm tấn công và phá hủy những yếu tố lạ có thể gây hại này. Hệ miễn dịch sẽ làm mọi cách để tìm ra và loại bỏ kháng nguyên trước khi chúng bắt đầu phân chia.
  • Bước 3: Trong trường hợp thất bại, hệ thống phòng thủ của cơ thể còn tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để kìm hãm, không để cho mầm mống gây bệnh phát triển.

Tạo kháng thể chống bệnh cũ tái phát

Con người được sinh ra với một mức độ hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một “ngân hàng” kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai. Đưa những mầm bệnh đã được làm yếu vào trong cơ thể nhằm tạo điều kiện cho hệ miễn dịch chiến thắng, tạo ra kháng thể và ngăn chặn bệnh tái phát cũng chính là cách mà vắc xin hoạt động.

Hệ miễn dịch cần được chăm sóc

Tăng cường hệ miễn dịch giúp bảo vệ sức khỏe, cơ thể khỏe mạnh hơn và chống lại các tác nhân gây bệnh. Để tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên hiệu quả, chúng ta cần:

  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: dinh dưỡng có mối liên hệ chặt chẽ với hệ miễn dịch, để tăng cường miễn dịch cho cơ thể cần bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ, ăn nhiều chất béo lành mạnh, thực phẩm lên men và uống đủ nước mỗi ngày.
  • Luyện tập thể thao đều đặn: vận động đều đặn và đúng cách giúp kiểm soát các bệnh mãn tính, tăng cường sức khỏe cũng như hệ miễn dịch cho cơ thể.
  •  Ngủ đủ giấc: ngủ đủ giấc và chất lượng giấc ngủ tốt là điều rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là cải thiện hệ thống miễn dịch.
  • Tiêm vắc xin phòng bệnh: vắc xin là chế phẩm mang kháng nguyên có nguồn gốc từ sinh vật gây bệnh, vì vậy tiêm chủng vắc xin đầy đủ và đúng thời gian quy định sẽ giúp cho hệ thống miễn dịch thích nghi và tạo các kháng thể. Những kháng thể này sẽ làm suy yếu sự tấn công vi khuẩn gây bệnh, khiến nó không có cơ hội tạo ra các triệu chứng của bệnh
  • Chăm sóc sức khỏe đường ruột: các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng có 70-80% tế bào miễn dịch nằm trong đường ruột. Ngoài những phản ứng miễn dịch niêm mạc ruột cục bộ, hệ vi sinh vật tại đây cũng đóng góp rất nhiều đến khả năng miễn dịch toàn thân.

Chăm sóc hệ vi sinh đường ruột là chăm sóc hệ miễn dịch

Hệ vi sinh đường ruột là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, các loại vi khuẩn nằm trong đường ruột góp phần hỗ trợ cơ thể trẻ sản xuất các chất kháng thể chống bệnh tật, quyết định sự phát triển và hoạt động của hệ miễn dịch. Hệ vi sinh của mỗi người là duy nhất và có xu hướng cố định khi trưởng thành. Do đó, cha mẹ cần tăng cường miễn dịch đường tiêu hóa cho trẻ ngay từ sớm để cung cấp cho con một khởi đầu tốt nhất.